Gần Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau, một bãi biển có bờ đá 7 màu tuyệt đẹp, long lanh như pha lê dưới ánh mặt trời nằm trên địa bàn xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận).
Một góc biển của bãi đá 7 màu xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Tuyệt tác thiên nhiên
Bãi đá 7 màu này bề rộng khoảng 40m, kéo dài trên bờ biển hơn 1km. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là bãi đá có hình dạng - màu sắc nhiều nhất Việt Nam.
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước, nhưng nhóm bạn phượt của tôi xuất phát từ TP.HCM không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp có sức hút kỳ lạ của bãi đá 7 màu. Sáng sớm, đặt đôi chân trần lên những hòn đá nhẵn thín để tận hưởng cảm giác mát lạnh. Và khi mặt trời lên lại ấm áp đôi bàn chân như đang được massage tại một nơi sang trọng.
Theo dân địa phương, bãi đá hình thành cách đây mấy trăm năm. Ban đầu từ những khối đá to chìm sâu trong lòng biển, cát, đá, nước cùng nhau bào mòn và đẩy những đá vụn lên bờ. Qua thời gian hàng trăm năm, đã hình thành ra những bãi đá đầy màu sắc như hiện nay. Mỗi khi sóng biển đánh vào, làm tăng thêm độ sáng bóng khiến những viên đá long lanh, như pha lê dưới ánh mặt trời. Đá ở đây nằm trùng trùng điệp điệp, viên nhỏ nhất bằng hòn bi, lớn nhất bằng cái nắm tay người lớn, xếp thành 4 tầng. Biển ở đây còn giữ nguyên vẻ hoang sơ xanh và sạch hòa quyện với vẻ đẹp của đá 7 màu, khiến du khách ngất ngây trước vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng…
Cách đó vài trăm mét là biển Cổ Thạch (chùa Cổ Thạch). Dân địa phương cho biết, thời điểm đẹp nhất để đến biển Cổ Thạch và chiêm ngưỡng đá 7 màu là vào tháng 3 (dân trong nghề nhiếp ảnh gọi là “mùa săn rêu”). Thời điểm này, gần như toàn bộ các tảng đá lớn ở Cổ Thạch đều phủ lên mình một bộ áo rêu xanh thẫm, rồi dần ngả vàng dưới ánh nắng chói chang. Những viên đá nhỏ 7 màu tô thêm sự sang trọng cho nét đẹp của biển.
Du khách selfie trên bãi đá cổ
Thả hồn theo mây khói
Một nét đặc biệt ở khu vực biển có bãi đá 7 màu là hải sản rất tươi ngon. Ngư dân trong vùng đi biển bằng những thuyền thúng loại nhỏ, xuất phát lúc rạng sáng và khi mặt trời lên là có hải sản tươi vào bờ. Ngon nhất là những con mực sống bắt từ lưới ra rồi bỏ ngay vào tô mỳ, đổ nước sôi, đậy nắp 3 phút lấy ra ăn thì ngon không gì bằng.
Hệ thống nhà hàng và nhà nghỉ, dịch vụ lưu trú tại đây có giá khá bình dân cho du khách chọn lựa. Nhiều người còn thích thuê võng và lều nằm dưới những tán rừng phi lao hoặc tán dừa để hít khí biển về đêm…
Trước đây, nhiều khách đến tham quan, thấy đá đẹp nên lấy về làm lưu niệm. Hiện tại, chính quyền địa phương đã cấm không cho mang về. Với mục đích bảo vệ bãi đá sạch đẹp, chính quyền địa phương cũng cấm đốt lửa trại và nấu nướng trên những bãi đá này.
Dọc bãi biển nằm trên địa bàn xã Bình Thạnh đều có những quán hải sản rất tươi ngon do người dân địa phương đánh bắt gần bờ về bán. Hệ thống quán này nằm một bên là biển, một bên là đồi dương nên khí hậu rất trong lành.
Cách đó vài km có đồi cát xã Bình Thạnh, có các trò chơi trượt cát hoặc ghé thăm Lăng ông Nam Hải (Lăng cá ông) gần đồi cát.